CÔNG TY CP MÔI TRƯỜNG VÀ DỊCH VỤ ĐÔ THỊ VĨNH YÊN

Môi trường sống xuống cấp trầm trọng

Các chỉ số môi trường tác động đến sức khỏe con người ở Việt Nam đa số đều dưới mức trung bình Nhiều chỉ tiêu về môi trường của Việt Nam nằm dưới mức trung bình theo chỉ số hiệu suất môi trường EPI (Environmetal Performances Index) vừa được công bố tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos 2012.

EPI là một phương pháp lượng giá tiêu chuẩn môi trường thông qua chính sách của mỗi quốc gia, được thực hiện  bởi Đại học Yale và Đại học Columbia (Mỹ), có sự phối hợp của Diễn đàn Kinh tế Thế giới và Ủy ban châu Âu.

Thông qua các dữ liệu liên quan đến chính sách, số liệu đo đạc từ vệ tinh, những người thực hiện sẽ cho điểm 22 yếu tố liên quan đến 10 chính sách lớn của các quốc gia:  không khí, nông nghiệp, hệ sinh thái, rừng, biến đổi khí hậu…theo thang điểm 100.

Việt Nam là một trong 10 quốc gia có không khí “bẩn” nhất thế giới.

Vị trí trên bảng xếp hạng EPI của mỗi quốc gia phụ thuộc vào số điểm quốc gia đó đạt được. EPI năm 2012 nghiên cứu xếp hạng cho 132 nước trên thế giới.

Đối với Việt Nam, phần lớn các chỉ tiêu thành phần đều nằm dưới mức trung bình. Đơn cử, nguồn nước dành cho hệ sinh thái chỉ được 37,8 điểm, môi trường ngư trường chỉ được 19 điểm, môi trường nông nghiệp chỉ đạt 47,8 điểm…

Đặc biệt các chỉ số môi trường tác động đến sức khỏe con người: môi trường gây dịch bệnh đạt 66,4 điểm (xếp vị trí 77/132 nước), nước sinh hoạt chỉ được 42,5 điểm (vị trí 90/132), không khí chỉ đạt 31 điểm (vị trí 123/132).

Kết quả, Việt Nam đứng hàng thứ 79 trên bậc thang 132 nước, tính theo EPI. Đứng đầu bảng là Thụy Sĩ và nước có chỉ số môi trường tệ nhất là Iraq.

Kéo dài, “bệnh” sẽ trầm trọng

Ngoài EPI, một chỉ tiêu quan trọng không kém là sự thay đổi, kết quả cải thiện môi trường trong vòng một thập kỷ và điều đáng buồn là Việt Nam chỉ đứng hàng thứ 73, tức là vẫn chưa có sự cải thiện vượt bậc trong các chính sách quản lý, bảo vệ môi trường.

TS Lê Văn Khoa, Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM, cho biết ông không hề ngạc nhiên về các thông tin xung quanh chỉ số EPI 2012 vừa được công bố vì khói bụi mịt mù, sông ngòi ô nhiễm…là hình ảnh rất quen thuộc ở các đô thị lớn của Việt Nam. Môi trường Việt Nam ngày càng tệ, các nhà quản lý rõ hơn ai hết và họ cũng đề ra khá nhiều giải pháp cải thiện.

Ví dụ, xây dựng các chương trình giảm thiểu ô nhiễm không khí giao thông, không khí quanh các KCN, đưa ra các giải pháp thay thế nhiên liệu, công nghệ gây ô nhiễm môi trường…

Tuy nhiên, những giải pháp này thời gian qua đã không được thực hiện đồng bộ, quyết liệt từ các bộ, ngành đến địa phương. Chỉ số Trend EPI đã phản ánh rất rõ nguyên nhân tình trạng môi trường ngày càng xuống dốc tại Việt Nam.

“Sức khỏe sa sút, tài sản bị hủy hoại vì ô nhiễm môi trường…cho  nên bất cứ người dân nào cũng có thể cảm nhận chất lượng môi trường đang ngày càng trở nên xấu đi, không chỉ riêng tôi. Nếu càng kéo dài tình trạng thiếu các giải pháp như hiện nay, tình trạng ô nhiễm sẽ càng trầm trọng.

Kết quả xếp hạng theo EPI 2012 sẽ khiến các nhà quản lý phải nhìn nhận vấn đề theo tính khẩn cấp và có những giải pháp thiết thực hơn nữa để cải thiện môi trường sống cho người dân Việt Nam” – TS Khoa nói.

THU SƯƠNG (Người lao động)